Điểm Đến Tây Nguyên: Hồ Eakao – Buôn Ma Thuột
Hồ Ea Kao được gọi theo tên của dòng suối Ea Kao, đây là một trong hai dòng suối lớn tạo nên thắng cảnh của hồ. Ea Kao là cách gọi của đồng bào dân tộc Êđê: Ea có nghĩa là nước, Kao có nghĩa là không bao giờ cạn. Ngoài ra, hồ Ea Kao còn có cách gọi khác là Ktǒng Jǔ (vùng nước có vực nước sâu). Thuộc địa bàn xã Ea Kao, nằm ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km theo hướng Đông Nam.
Hồ Ea Kao có diện tích 288,9 ha, hồ được ví như một biển nước mênh mông do con người tạo ra từ việc ngăn dòng suối lớn Ea Knin, suối Ea Kao và một số suối nhỏ Ea Chăt, suối Čư Mblim, được xây dựng và đưa vào vận hành khai thác năm 1983 nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu của đồng bào xã Ea Kao.
Ngày nay hồ Ea Kao đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc với muôn vàn màu sắc, là điểm tham quan du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, hồ Ea Kao nằm gần các buôn của đồng bào Êđê nên du khách đến tham quan còn được thưởng thức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc, dân gian độc đáo, uống rượu cần, nghe kể về truyền thuyết liên quan đến sự hình thành của dòng suối Ea Knin và suối Ea Kao – hai dòng suối chính tạo thành hồ Ea Kao ngày nay. Truyền thuyết kể rằng:
Ngày xửa, ngày xưa, đồng bào tại buôn Huê thường đi lên rừng tìm chặt cây Tăm Xe – một loại gỗ quý ở trên rừng về để dựng nhà sàn. Khi đi đến chỗ uốn khúc của dòng suối Ea Knin, thấy nước chảy siết quá dân làng bèn chặt một số cây rừng ven suối để bắc cầu qua suối. Nhưng kỳ lạ thay, tất cả những chiếc rìu mà dân làng đi rừng đều bị rơi hết xuống dòng suối không thể tìm thấy được. Thế nên đoạn suối uốn khúc đó được gọi là Ktǒng Zông (nơi những chiếc rìu bị rơi) hay là (vực xoáy những chiếc rìu).
Năm đó, dân làng buôn Huê tổ chức cúng Yàng để cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn làng no ấm. Trong lúc chuẩn bị vật tế lễ, già làng phân công cho hai thanh niên khỏe mạnh của buôn làm thịt một con heo. Hai người này đã thui heo, cạo lông sạch sẽ xong và rửa lại để chuẩn bị mổ bụng. Hai người ngồi nghỉ nhìn ngắm con heo, một người buộc miệng nói: “con heo này nếu không có lông và trắng tinh như thế này chắc sẽ đẹp lắm đây”. Người kia đáp lại “ừ đúng thật, chắc là đẹp lắm”. Vừa nói dứt lời đột nhiên, con heo ấy bật sống dậy và bỏ chạy, mọi người đều hô hoán, đuổi theo con heo ấy. Heo chạy băng qua cánh đồng, băng qua rừng cây và lao xuống một đoạn suối trên dòng Ea Knin. Khi dân làng đuổi đến nơi thì không thấy con heo ấy nữa và từ đó đoạn suối này được gọi là Ktǒng Un (vực xoáy nơi heo bị rơi).

Hoàng Hôn – Hồ Ea Kao
Trên dòng Ea Knin còn có nơi được gọi là Ktǒng Bom, sở dĩ gọi như vậy bởi theo lời già làng thì nơi đây trong những năm thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng thả rất nhiều bom vào buôn Huê nhưng hầu như những quả bom chúng thả đều bị rớt xuống một đoạn suối của dòng Ea Knin nên tên Ktǒng Bom (nơi những quả bom bị rớt) có từ đó.
Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện truyền thuyết liên quan đến sự hình thành của các dòng suối vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Với ý nghĩa đó, ngày 17/4/2012, Hồ Ea Kao được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.