Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) sở hữu nhiều cảnh quan hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng đang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Chúng tôi đến thác Ba Tầng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng vào một ngày tạnh ráo. Song, một vài cơn mưa trước đó khiến quãng đường đi trở nên khá chật vật. Mặc dù có sự giúp sức bằng xe máy của cán bộ Khu Bảo tồn nhưng có những đoạn đường bị lún sâu hoặc nước mưa đọng thành vũng lớn chưa kịp khô, chúng tôi đành xuống đi bộ. Vài người trong đoàn thốt lên: “Đi bộ có khi khỏe hơn là đi xe máy”. 2 bên đường đi là rừng nguyên sinh rậm rạp. Không ít người trong đoàn, nhất là các chị, các cô đã phải hét lên chạy tứ tán khi thấy một chú rắn nhỏ bò từ trong đám bụi rậm ngang qua con đường mòn. Sau chừng 4-5 km vừa ngồi trên xe máy vừa cuốc bộ, chúng tôi đã đến được với thác Ba Tầng len lỏi trong cánh rừng nguyên sinh của Khu Bảo tồn.

Thác Hang Én hay thác K50

Nói là thác Ba Tầng nhưng thực tế ngọn thác này được chia ra tới 6-7 tầng, giữa các tầng có những bãi đá rộng, có thể làm nơi ngồi nghỉ chân hoặc vui chơi cho du khách. Nơi chúng tôi tới đầu tiên nằm trên đầu ngọn thác. Muốn xuống phía dưới phải di chuyển bằng 2 con đường: một là men theo ngay bờ vực, đường này nhanh nhưng nguy hiểm, nhất là khi trời vừa mưa xong, bởi độ dốc khá cao và trơn, phải bám vào các bụi cây dại hoặc nhánh rễ cây và lần từng bước một đi xuống; con đường thứ 2 phải đi vòng xa hơn nhưng an toàn. Đẹp nhất là tầng thác cuối cùng với bề ngang rộng chừng 4 m, nước rải xuống mềm mịn như một dải lụa. Phía dưới là một cái hồ rộng có khá nhiều cá. Những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác ven hồ, ngoài việc giúp du khách sang được với bên kia hồ thì còn tạo nên điểm nhấn khá thú vị.

Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, người dẫn đoàn chúng tôi đến nơi, cho biết: Đây chỉ là một trong hệ thống 12 con thác đẹp của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Những con thác khác cũng đẹp không kém, nhất là thác 50, hay còn gọi là thác Chim Én. “Tôi cho rằng, Kon Chư Răng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mà bất cứ nhà đầu tư du lịch nào cũng không nên bỏ qua. Với hệ thống giao thông thuận tiện, có trục đường chính là đường Trường Sơn Đông nối liền với các đường liên huyện, liên xã dẫn đến các khu du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch được đảm bảo ở mức trung bình khá, chúng ta có thể phát triển các tour du lịch như: du lịch dã ngoại, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng; tuyến tìm hiểu, nghiên cứu theo chuyên đề sinh thái, lịch sử; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch liên kết tour thăm chiến trường xưa; du lịch văn hóa…”-ông Trịnh Viết Ty nêu ý kiến.

Được biết, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có 10.000 ha rừng giàu, rừng nguyên sinh với nhiều kiểu rừng độc đáo, đặc sắc. Theo thống kê, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có gần 550 loài thực vật bậc cao, trong đó có 18 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới. Còn động vật nơi đây, theo kết quả các đợt khảo sát của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Tổ chức Chim Quốc tế (Birdlife International) năm 1999, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có 546 loài thực vật bậc cao, đặc biệt có tới 9 loài đặc hữu của Việt Nam; có 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Trong số các loài thú, nơi đây có 25 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có 3 loài thú đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương là voọc chà vá chân xám, vượn má hung và mang lớn. Ngoài ra, Kon Chư Răng còn là một trong số rất ít các khu vực có loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) được xem là loài đặc hữu vùng Đông Dương hiện đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng và 2 loài chim ghi nhận tại khu vực hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu là trĩ sao Rheinardia ocellata và chân bơi Heliopais personata.

Bên cạnh những tiềm năng về thiên nhiên thì vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có 4/6 thôn làng còn mang đậm nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào Bahnar với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: đâm trâu, bỏ mả, cưới hỏi, mừng lúa mới… mang tính cộng đồng cao.

Phát triển du lịch xanh hiện đang là xu hướng không riêng của Việt Nam mà của cả thế giới. Ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang, bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư nên mạnh dạn khảo sát, đầu tư để Kon Chư Răng được “trở mình thức dậy”. Tất nhiên, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực hết sức để tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp tìm đến đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Tạ Đình Phúc-Giám đốc Công ty Dược liệu và Phát triển Du lịch Điền An Gia Lai, một doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển du lịch tại Kbang-đã không ngớt lời khen dành cho những điểm thác tại đây. Ông Phúc cho biết: “Tôi mong mình sẽ là “hoàng tử” để đánh thức nàng công chúa đang còn ngủ mê này. Nếu được đầu tư, đơn vị sẽ tôn tạo những cảnh quan sẵn có, sử dụng lao động người bản địa và cam kết giữ nguyên nét nguyên sơ của thiên nhiên, tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường”.

Và rõ ràng, việc “đánh thức” Kon Chư Răng là trong tầm tay khi trong chuyến khảo sát thực địa và làm việc tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng mới đây, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đề nghị các ngành liên quan phối hợp cùng huyện Kbang tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch nhằm đưa Kon Chư Răng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh. Tin rằng, Kon Chư Răng sẽ không làm cho các nhà đầu tư thất vọng.

( Nguồn Báo Gia Lai.)