Kon Tum: Điểm sáng du lịch Tây Nguyên với chiến lược phát triển bền vững
Ngành Du lịch tỉnh Kon Tum đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cả về lượng khách lẫn doanh thu.
Sự phát triển của du lịch Kon Tum
Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số khách du lịch đến Kon Tum đạt khoảng 683.700 lượt khách, tương đương 22,8% kế hoạch năm và tăng 118,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch trong nước chiếm phần lớn với 679.450 lượt, còn khách quốc tế đạt 4.250 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh ước tính khoảng 205 tỷ đồng, bằng 27,33% kế hoạch năm và tăng 183,36% so với cùng kỳ.

Kon Tum là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nền văn hóa bản địa độc đáo cùng hệ thống di sản lịch sử phong phú. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nhấn của du lịch Kon Tum chính là các địa danh nổi tiếng như Nhà thờ Gỗ Kon Tum, cầu treo Kon Klor, Ngục Kon Tum hay các khu du lịch sinh thái Măng Đen. Với khí hậu ôn hòa quanh năm và rừng nguyên sinh phong phú, Măng Đen đang được quy hoạch trở thành “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm.

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa như lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới hay các hoạt động giao lưu văn hóa đang được chú trọng nhằm tạo điểm nhấn du lịch, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.
Quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Kon Tum
Để tiếp tục đẩy mạnh du lịch, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chính sách và quy hoạch chiến lược nhằm phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn với hệ sinh thái du lịch đa dạng, kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5 sản phẩm du lịch chính: sinh thái, văn hóa – lịch sử, nghỉ dưỡng, cộng đồng và du lịch chuyên đề.

Để đạt được mục tiêu này, Kon Tum chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái và các tổ hợp giải trí nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch.
Nguồn: BÁO XÂY DỰNG